[tintuc]
Con bọ trĩ hay con bù lạch (rầy lửa) có kích thước rất nhỏ chỉ gần 1mm, nên chúng ta khó có thể nhìn chúng bằng mắt thường. Do đó, chúng ta thường chỉ phát hiện sự gây hại của bọ trĩ thông qua các biểu hiện, dấu hiệu trên lá hồng, đọt non, nụ hoa hồng….
Dấu hiệu nhận biết bọ trĩ gây hại cho lá hồng
Bọ trĩ hút dinh dưỡng cả mặt trên và mặt dưới lá làm cho lá hồng bị quăng queo biến dạng, nếu bị nặng lá có dấu hiệu cuốn tròn lại.
Ở các lá hồng trưởng thành bị bọ trĩ chích hút, mặt trên lá xuất hiện các quầng đen loang lổ màu nâu đen.
Ở các ngọn hồng non, tược non, chúng cũng bị quăng queo, mép lá uốn lượn dị dạng, chồi non bị thâm đen.
Dấu hiệu nhận biết bọ trĩ gây hại ở nụ hoa hồng
Bọ trĩ hút dinh dưỡng ở nụ hoa, hoa nở rất nhỏ nhạt màu và không bền, cánh hoa bị cháy đen. Hoa xấu cánh dị dạng hoa nhanh tàn và thối.
Con bọ trĩ trưởng thành có thể bay xa và di chuyển theo hướng gió, vì thế mức độ lây lan của bọ trĩ rất nhanh và gây thiệt hại nặng nề cho vườn hồng cho dù đó là hồng nội hay hoa hồng ngoại. Chúng không chỉ làm mất đi vẻ đẹp của lá, của hoa hồng mà điều quan trọng là chúng làm cây hồng mất đi sức sống 1 cách nghiêm trọng. Cây đã bị bọ trĩ chích hút dù có diệt trừ xong thì vẫn để lại di chứng khá nặng. Cây hồng trông xấu xí, rất chậm phát triển. Mất nhiều tháng trời sau đó cây mới ra được tược non mới.
Do đó, cần phải phòng ngừa và diệt trừ bọ trĩ từ khi chúng mới bắt đầu gây hại. Mà tốt nhất vẫn là phòng ngừa!
Cách diệt trừ bọ trĩ gây hại cho cây hoa hồng ngoài
+ Giảm mật độ trồng giữa các cây hoa hồng, không để các tán cây hồng sát nhau, tạo điều kiện để bọ trĩ lây lan từ cây này sang cây khác. Mật độ trồng thích hợp là cây này cách cây kia trung bình 50-100cm tùy vào kích thước cây hồng.
+ Cắt tỉa lại các cành nhánh hoa hồng tạo độ thông thoáng cho vườn hồng.
+ Chú ý chế độ bón phân dinh dưỡng cho cây hoa hồng. Trong lúc vườn hồng đang bị bọ trĩ tấn công thì ngưng hoàn toàn các loại phân bón cho dù là phân bón lá cho cây hoa hồng, hay phân bón gốc (Vì khi bón phân vô tình cung cấp dinh dưỡng vào lá làm mật độ bọ trĩ tăng lên). Không sử dụng kết hợp phân bón lá với thuốc trị bọ trĩ trong giai đoạn bọ trĩ đang gây hại cho vườn hồng. Mà tập trung diệt trừ bọ trĩ trước đã.
+ Sử dụng các loại thuốc đặc trị bọ trĩ, thông thường thuốc trị bọ trĩ chia làm 2 loại:
- Thuốc dùng phòng ngừa bọ trĩ
- Thuốc dùng diệt trừ bọ trĩ khi đã gây hại
Nếu vườn hồng đã bị bọ trĩ gây hại nặng nên kết hợp 2-3 loại thuốc đặc trị bọ trĩ như:
Radiant 60SC kết hợp với Marshal 200 SC (Thuốc của VFC có tác dụng tiếp xúc, vị độc và lưu dẫn mạnh, có khả năng hấp thu và di chuyển nhanh trong cây) hoặc Ascend 20 SP hoặc Confidor 100 SL, 700WG.
Bọ trĩ thường trú ẩn ở mặt dưới lá nên khi phun phải chú ý phun cả 2 mặt lá. Và phun vào lúc chiều mát hoặc lúc sáng sớm.
Riêng bản thân tôi thì dùng các loại thuốc bên dưới để phòng trừ nhện đỏ, bọ trĩ, sâu cho vườn hồng của mình.
Ngoài ra, còn có thêm 1 số loại thuốc diệt trừ bọ trĩ hữu hiệu cho cây hoa hồng giúp anh chị có thể tìm hỏi ở các cửa hàng BVTV gần mình để mua như:
- Dantotsu 50WDG (có thể kéo dài được 5-7 ngày khi bọ trĩ ở mật số cao vì có tính lưu dẫn và thẩm thấu) của công ty Sumitomo.
- BM Promart công ty Benh Meyer.
- MOVENTO 150OD của công ty Bayer.
+ Khi bọ trĩ đã gây hại nặng cho cây hoa hồng, cần phải phun thuốc đến 3 đợt.
Lần 1: Sau khi phun lần đầu tiên, Lần 2: thì 3 ngày sau cần phun nhắc lại 1 lần nữa. Lần 3: sau khi phun lần 2 một tuần lễ. Đến khi thấy lá non đã ra bình thường không còn dấu hiệu của bọ trĩ nữa thì mới ngưng thuốc. Ưu tiên sản phẩm thuốc diệt bọ trĩ dạng WDG, WG vì không gây nóng cây hồng.
+ Ngoài ra, khi vườn hồng đã hết bọ trĩ cần phun ngừa định kỳ: 7-10 ngày/lần.
(Theo vuonhongvanloan)
[/tintuc]